Facebook memory có nhắc rằng khoảng thời gian này của 12 năm trước, mình có đăng status nói là mình muốn viết giỏi cả hai ngôn ngữ Việt và Anh. Nhớ hồi xưa loay hoay giữa ý muốn và khả năng, vì cái đầu mà rỗng thì đôi tay không “vẽ" ra được nội dung gì hay ho. Nhưng ước muốn đó vẫn được cất giữ trang trọng trong một góc tâm thức bộn bề của mình. Cho đến một ngày, chắc là được Ơn Trên ban nên cái đầu rỗng bắt đầu trở nên đầy dần lên, và mình có thể viết.
Nhờ ơn này, nên hôm nay lại mình có thôi thúc viết. Viết về sự kiên nhẫn.
“Chúng ta cũng vui mừng trong gian khổ nữa, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực, nghị lực sinh ra hi vọng.” (Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gởi các tín hữu Rô-ma, 5:3–4).
Gần đây lại đọc được một cuốn sách hay của M. Scott Peck và tự dưng thấy cái mà tác giả gọi là “kỷ luật" (discipline) lại rất gần với cái mà Thánh Phao-lô viết về “kiên nhẫn" (patience, hay endurance) và Đức Thích Ca Mâu Ni gọi là hạnh “kham nhẫn" (tiếng Pāli gọi là khanti).
"Not only that, but we rejoice in our sufferings, knowing that suffering produces endurance, and endurance produces character, and character produces hope." (Romans 5:3-4)
Bài viết này mình sẽ dùng để đánh dấu một dự án nhỏ mà mình sẽ bật mí khi sẵn sàng. Dự án này chắc cũng là hồng ân, vì nó xuất hiện như một mảnh anchoring jigsaw thất lạc được tìm thấy trong đống ngổn ngang hàng nghìn mảnh của bức tranh ghép hình dang dở.
Trở lại với đề tài kiên nhẫn. Không chỉ đọc và học từ các bậc thánh hiền mà từ chính trải nghiệm của bản thân, mình nhận ra không trải qua đau khổ và gian khó thì không phát triển được lòng kham nhẫn. Mà nói về lòng kham nhẫn thì Đức Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, và gần đây mình biết thêm là Thánh Phao-lô Tông đồ, Mahatma Gandhi và Dalai Lama là những điển hình đáng ngưỡng mộ.
Trong kinh văn nhà Phật, kiên nhẫn là một trong các pháp ba-la-mật và thực hành hạnh kiên nhẫn sẽ mang lại cho ta cơ hội nhìn sự việc trong tương quan liên kết các nguyên nhân xa gần (“trùng trùng duyên khởi"), là chất liệu nuôi dưỡng lòng từ bi, là thành trì chống đỡ phiền não. Còn trong Kinh Tân Ước, Đức Jesus Nazareth và tông đồ Phao-lô của Ngài là tấm gương về lòng kiên nhẫn được dẫn dắt bởi đức tin, đức cậy và đức mến, để “vui mừng trong gian khổ", vì các Ngài biết rằng “gian khổ sinh ra nghị lực, nghị lực sinh ra hy vọng" trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Còn thời hiện đại này, Mahatma Gandhi và Dalai Lama kiên trì theo đuổi chủ trương đấu tranh bất bạo động cho hoà bình và hoà giải, dù trải qua bao gian khổ, dù phải trả giá bằng tính mạng của mình.
Các bậc thánh hiền kiên nhẫn vì mục đích cao cả ai cũng thấy, vậy còn mình kiên nhẫn để làm gì?
Mình kiên nhẫn để trưởng thành. Chính xác hơn, mình kiên nhẫn đi trên “con đường chẳng mấy ai đi” (tên cuốn sách “The Road Less Traveled" của M. Scott Peck) để trưởng thành. Con đường chẳng mấy ai đi là con đường không né tránh gian khó và khổ đau. “Đau đớn giúp ta khôn lớn" (Benjamin Franklin)– nghe hay ho thiệt, mà nhào vô thực hành là chuyện vác thánh giá thực sự!
Tác giả cuốn sách trên nói rằng, “Đương đầu khó khăn và giải quyết các vấn đề là một tiến trình khổ sở. Đương nhiên, các vấn đề khó khăn sẽ luôn kích động những cảm xúc hụt hẫng, tiếc thương, buồn bã, cô đơn, mặc cảm, hối tiếc, giận dữ, sợ hãi, bất an, đau khổ, tuyệt vọng. Đây là những cảm xúc khó chịu, rất khó chịu, chúng hành hạ ta không kém gì nỗi đau thể xác, thậm chí đôi khi sánh ngang với những cơn đau kinh khủng nhất trên da thịt.” Sợ chưa! Tự nhiên đọc đoạn đó mình liên tưởng ngay đến Chúa Jesus đang bị đóng đinh trên thập giá!
Dĩ nhiên mình luôn có một lựa chọn khác. Đó là lựa chọn né tránh vấn đề, hay hoãn binh, hay chọn con đường dễ đi hơn… như mình đã nhiều lần làm vậy, với mong đợi là hoàn cảnh hay con người kia sẽ thay đổi, hay hy vọng thời gian sẽ làm giảm nhẹ mức độ của vấn đề.
Nhớ có lần gặp chuyện khó khăn, mình năn nỉ sư phụ, giúp em lần này nữa đi, em không còn sức để giải quyết chuyện này nữa, em hứa lần sau em sẽ tự mình làm. Nhưng sư phụ nói, bài học lần này mà không học thì lần sau nó vẫn sẽ đến ở mức độ gay gắt hơn, tính sát thương cao hơn. Thế là mình hít một hơi thật sâu rồi ra quyết định sẽ đương đầu với nó. Sau khi tự mình giải quyết sự việc, bài học mình nhận ra là đau khổ không hãi hùng như cái sợ đối diện với nó ở bên trong mình. Đối mặt và giải quyết vấn đề xong cái tự nhiên thấy mình thêm can đảm, thêm tự tin, và vì thế nếu có gặp lại thì vấn đề giờ đã thành chuyện nhỏ.
Vậy đó, con sóng này xô con sóng kia, hết vấn đề này tới vấn đề khác, nếu mà bạn luôn kiên trì với lựa chọn đương đầu một cách dũng cảm thì hãy xem bạn đã trưởng thành đến thế nào.
Thấy có vẻ khó chấp nhận được, nhưng càng ngẫm lời của Thánh Phao-lô Tông đồ mình càng thấy thấm. Có mấy ai thấy vui mừng trong gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực? Thầm cảm ơn gian khổ đã giúp mình khôn lớn là đã quá lắm rồi, chứ thấy “vui mừng trong gian khổ" thì quả là con đường không mấy ai muốn đi.
Nhưng M. Scott Peck nói là ta có thể làm được. Để đi trên con đường này ta cần kỷ luật và tình yêu. Kỷ luật ở đây không phải đơn giản là bắt ép mình có lý trí hay ý chí mạnh mẽ, mà là sự uyển chuyển kết hợp giữa việc trì hoãn ham muốn, nhận lãnh trách nhiệm, tôn trọng sự thật và từ bỏ cái tôi. Còn tình yêu ở đây không phải là cảm giác yêu hay cảm giác si mê, không phải là sự lệ thuộc hay đức hy sinh, mà yêu là hành động, là cam kết dấn thân mở rộng giới hạn của bản thân mình và của người mình yêu để cả hai cùng trưởng thành.
Hai đề tài này không thể nói sơ sài được nên mình sẽ viết tiếp.
Đăng ký nhận thông tin
Trang Thơ
Trang Bài Viết