Dạy điều mình sống, và sống điều mình dạy

Nay không phải ngày nhà giáo, nhưng cái đầu cứ làm việc trong khi cơ thể muốn nghỉ ngơi, nên tự dưng nghĩ về vụ này. Chắc do gần đây tự thấy mình có nhiều thay đổi, lớn nhất vẫn là nhận ra cái gì bên trong mình không có, thì chẳng bao giờ mình thể hiện được ra bên ngoài. Ngẫm nghĩ thấy với nghề giáo và nghề làm cha mẹ thì điều này lại càng chính xác.


Nhớ hồi nhỏ lúc mới chập chững học tiếng Anh, trải qua bao nhiêu giáo viên nhưng mấy chục năm sau vẫn nhớ nhất có hai cái tên thầy Lợi và cô Thu. Chủ nhiệm thì nhớ thầy Cường. Văn thì nhớ thầy Quang. Sử thì nhớ thầy Thế. Toán, Lý, Hoá, Địa… mỗi môn đều nhớ một hai thầy cô.


Không phải tất cả các môn mình đều học giỏi, nhưng nhờ các thầy cô mà mình thích học môn đó.


Mình còn nhớ, không phải tất cả các thầy cô mình thích đều “có chức có tước” trong tổ bộ môn. Mình cũng còn nhớ, mình thấy các thầy cô dạy rất hay và truyền được cảm hứng yêu mến môn học cho mình, nhưng không lý giải được vì sao hay, vì sao mình thích, trong khi một số bạn khác vẫn than là thầy cô dạy chán.


À, “dạy chán” có thể đúng, khi nói về kỹ năng truyền đạt của thầy cô. Lúc đó mình cũng có thấy chán, có lo ra, có nói chuyện riêng cho bớt buồn ngủ, nhưng trong lòng mình vẫn là sự yêu mến môn học và vẫn nhớ người truyền cảm hứng đó cho mình.


Giờ nhớ lại, mình mới nhận ra sự yêu mến và tin tưởng vào kiến thức được truyền lại cho mình đến từ chính việc người thầy, người cô đó “dạy điều họ sống và sống điều họ dạy”.


Lúc đó không có bất cứ thầy cô nào nói thành lời điều đó, nhưng từ bên trong thầy cô đã toát ra triết lý dạy và sống này mà đứa học trò nhỏ như mình cảm nhận được. “Dạy điều họ sống” chính là lối dạy đi thẳng từ tâm hồn thầy cô đến tâm hồn mình, do dù cái ngôn ngữ của toán học, vật lý, hay hoá học mà thầy cô đang nói không phải là ngôn ngữ của mình.


"Those who educate children well are more to be honored than they who produce them; for these only gave them life, those the art of living well." Aristotle

Có một điều nữa mà giờ mình cũng nhận ra là những thầy cô này hay làm mình quan tâm đến đời sống cá nhân của họ. Hồi nhỏ có biết gì đâu, chỉ là thấy mình tò mò “nhiều chuyện” thôi. Nhưng giờ tự nhiên thấy đúng là mình quan tâm đến đời tư của thầy cô cũng để khẳng định niềm tin của mình rằng thầy cô sống điều họ dạy mình. Mình có gặp thất vọng không? Hình như là không. Không có thầy cô nào trong số này dạy mình điều họ không có từ bên trong họ và thể hiện ra bên ngoài điều họ dạy học trò. (Cho nên, ngoài chuyện này và thêm vài chuyện “đời” khác mà giờ càng thấy mình nên luôn tin tưởng vào trực giác của mình.)


Dạy con cũng vậy. Mình tin rằng nếu ai dạy dỗ được con cái trở thành những người có các phẩm chất tốt đẹp như sống tự lập, có lòng biết ơn, có sự chính trực trong lời nói và hành động, biết mình là ai, dũng cảm, chịu trách nhiệm, không sợ hãi…, là những người tự thân họ có những phẩm chất này và thể hiện nó ra bên ngoài đời sống của họ. À, đương nhiên mỗi đứa con đều có những hạt giống cả tốt lẫn xấu mà chúng mang theo từ bao nhiêu kiếp sống trước. Nhưng bạn tưới thứ gì thì sẽ khuyến khích loại hạt giống nào nảy nở.


"Actions speak louder than words; let your life be your message." - Mahatma Gandhi

Dĩ nhiên, rất khác với thầy cô giáo là những người chỉ gặp mình vài tiếng đồng hồ mỗi tuần, cha mẹ là những người phải sống những phẩm chất đó cả đời trước mặt con cái. Sai sót trong đời sống là điều bình thường, nhưng thừa nhận mình sai và công khai sửa sai vẫn là một phẩm chất quý hiếm và làm gương được cho con.


Thế các phẩm chất cao quý đó của thầy cô giáo và cha mẹ từ đâu mà ra? Sao có người có, có người không?


Đó là một câu chuyện khác. Câu chuyện của những tâm thức khao khát sự thật về mình là ai, mình đến trái đất này để làm gì, mình sẽ đi về đâu. Cho nên suốt hành trình sinh mệnh bạn sẽ không ngừng tìm kiếm chân lý, không ngừng lắng nghe, học hỏi và triển nở. Nếu không có tâm thức này bạn sẽ bị tâm trí hạn hẹp của mình che mờ. Bạn chỉ dùng ngón tay của mình chỉ lên mặt trăng, nhưng bạn lầm tưởng ngón tay mình chính là mặt trăng.



~ Hân Lê, 03/03/2024

Horizontal Line

Đăng ký nhận thông tin

CLB “Nhìn Sâu Vào Cuộc Sống”

Trang Thơ

Trang Bài Viết

Kết nối qua Facebook

comments