Tôi thấy tiếng Việt quá phong phú và vốn từ của tôi thật ít ỏi. Hôm qua, đang lúc tôi loay hoay tìm cách diễn đạt sự không rộng rãi của một con người, cô bạn tôi liền kết luận đó là người “bần tiện”.
Bao lâu rồi tôi không nghe ai đó dùng từ “bần tiện”? Bấy lâu nay tôi chỉ nghe nhắc đến từ này đôi lần. Lần đầu, có lẽ là từ một tác phẩm văn học nào đó mà tôi được học thời phổ thông, Tắt Đèn, Lão Hạc, hay Chí Phèo. Lần này là từ cô bạn thân.
Không hiểu sao tôi cứ tò mò về từ “bần tiện”. Có thể do từ này diễn tả đúng (một cách cay đắng) tính cách của nhân vật mà chúng tôi đề cập. Hoặc cũng có thể do bản thân tôi chưa bao giờ dùng từ này trong tiếng Việt, mà chỉnh thỉnh thoảng dùng “miserly” hay “stingy” trong tiếng Anh. Hai từ tiếng Anh kia, trong cảm nhận của tôi, sao nghe vẫn không xót xa bằng “bần tiện”. Tôi tự nhủ, có thể cảm giác đó đến từ trải nghiệm của bản thân và của bạn tôi với nhân vật, hoặc do tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi.
"The miser lives poor to die rich." – Benjamin Franklin
Rồi tôi lại liên kết sự bần tiện với tư duy thiếu thốn (scarcity mentality). Người bần tiện, hay người có tư duy thiếu thốn thường sống trong lo lắng và sợ hãi do nghĩ rằng tài nguyên (tiền bạc, thời gian, sức khoẻ, khả năng,…) luôn khan hiếm, dẫn đến sự tự giới hạn và tự hạn chế bản thân mình. Họ hay nói, tiền đâu mà chi cho cái đó, thời gian đâu mà làm thêm những chuyện x, y, z. Hoặc, tôi già rồi, tôi không còn đủ sáng tạo để làm việc a, hay tôi chỉ đủ sức làm việc b, tôi không có khả năng làm việc c. Những suy nghĩ này làm họ không dám mơ ước lớn và từ chối thử nghiệm những cơ hội mới, vì lo sợ thất bại. Do đó, hậu quả của tư duy thiếu thốn đối với sự phát triển bản thân có thể rất tiêu cực.
Ngoài ra, người bần tiện thường có lối sống tiết kiệm quá mức, và quan tâm đến số tiền họ phải trả cho một món hàng hơn là giá trị mà món hàng mang lại.
Hôm nay tôi lại có dịp trò chuyện với một cô bạn khác về rượu khi hai đứa đi tìm mua rượu Hibiki whisky Nhật ở khu duty free sân bay Auckland. Bạn bảo, giờ rất quý trọng sức khoẻ nên chỉ uống những loại rượu tốt. Cách đó hai ngày nhóm tôi có 6 người uống hết 2 chai Hibiki 43 độ cồn mà sáng ra vẫn dậy sớm, đứa đi làm, đứa đi chơi phà phà. Chúng tôi đồng quan điểm là rượu tốt thì không thể rẻ được.
Bần tiện khác xa với tiết kiệm. Bần tiện bắt nguồn từ nỗi sợ sự khan hiếm và thiếu thốn, dẫn đến việc đánh đổi chất lượng và giá trị để lấy số lượng nhiều và giá rẻ, cho dù là phải trả giá bằng sức khoẻ của mình. Còn tiết kiệm là sự sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan và hiệu quả, ưu tiên giá trị và tính bền vững, tạo ra một cuộc sống cân bằng và lành mạnh hơn.
Qua công việc của mình, tôi còn học được sự tiết kiệm— hay mua sắm hiệu quả— ở chỗ thay vì chọn quần áo giá rẻ, tôi chỉ mua đồ của các nhãn hàng mà tôi biết là hãng sản xuất tuân thủ theo quy chuẩn đạo đức trong ngành này ở Úc (Ethical Clothing Australia— ECA).
Quy chuẩn này không chỉ đảm bảo là toàn bộ các nhà cung cấp trong chuỗi của một nhãn hàng phải đáp ứng các quy định về sức khoẻ và an toàn lao động theo tiêu chuẩn ECA mà còn bảo đảm các công nhân trong nhà máy hay người nhận may gia công tại nhà của họ được trả lương và hưởng các quyền lợi theo chế độ (award) nào tốt cho họ nhất có thể. Quần áo được sản xuất tại Úc theo tiêu chuẩn ECA dĩ nhiên là không rẻ, vì thế tôi chỉ mua khi thật cần và khi có sale off.
"Frugality is the ability to see value and not just price." – Unknown
Có lẽ, từ "bần tiện" mà cô bạn tôi dùng đã mô tả sống động tính tiêu cực của tư duy khan hiếm, trái ngược với sự khôn ngoan cân bằng của tiết kiệm. Nhớ ngày xưa tôi hay phản đối khi ai đó bày tỏ quan điểm “ngon, bổ, rẻ” là chân ái. Giờ cũng vậy, tôi vẫn luôn tin là “tiền nào của nấy”. Chỉ khác là giờ tôi không phải cứ muốn là mua, mà phải cần mới mua, và ráng chờ sale off để mua.
~ Hân Lê, 15/05/2024
Ảnh chụp tại miệng núi lửa đã ngưng hoạt động ở Mount Eden, Aukland, New Zealand
Đăng ký nhận thông tin
Trang Thơ
Trang Bài Viết